Giá cổ phiếu HDB đã tăng 21,7%, đạt mức giá mục tiêu trước đó là 27.700 đồng, phản ánh một phần sự tăng trưởng lợi nhuận và các yếu tố cơ bản khác trong Q2/2024.
Đối với nửa cuối năm 2024, tăng trưởng LNTT của ngân hàng có thể giảm xuống +4,3% svck so với +49% svck trong nửa đầu năm 2024 do mức nền cao ở nửa cuối năm 2023 cũng như NIM thu hẹp trong bối cảnh chi phí vốn tăng dần.
Do đó, SSI hạ khuyến nghị cổ phiếu HDB xuống TRUNG LẬP (từ KHẢ QUAN) và đưa ra giá mục tiêu 1 năm là 29.800 đồng/cổ phiếu, tương đương với P/B mục tiêu là 1,4x so với P/B ngành là 1,37x.
Sang năm 2025, kỳ vọng LNTT của HDB sẽ đạt 20 nghìn tỷ đồng (+25% svck) nhờ tăng trưởng tín dụng cao hơn đạt 23,5% so với năm 2024,NIM ổn định (5,4%), chất lượng tài sản cải thiện (tỷ lệ nợ xấu khoảng 1,85% và LLCR là 81%) và lợi nhuận từ phí dự kiến phục hồi (34,6% svck).
Quan điểm ngắn hạn: Giá cổ phiếu có thể sẽ diễn biến khả quan trong ngắn hạn cho đến ngày chia cổ tức bằng cổ phiếu được công bố. Từ mức nền cao trong nửa cuối năm 2023,dự báo tăng trưởng LNTT nửa cuối năm 2024 sẽ chậm lại xuống 4,3% svck, đạt 7,85 nghìn tỷ đồng.
Yếu tố hỗ trợ tăng đối với khuyến nghị: • Tăng trưởng tín dụng cao hơn dự kiến; • NIM cao hơn dự kiến; • Kế hoạch phát hành riêng lẻ có chuyển biến tích cực. Rủi ro giảm đối với khuyến nghị: • Tăng trưởng tín dụng thấp hơn dự kiến; • Tỷ lệ hình thành nợ xấu và dự phòng cao hơn dự kiến.
KQKD Q2/2024: HDB ghi nhận LNTT tăng trưởng ấn tượng với 51% svck, đạt 4,14 nghìn tỷ đồng nhờ mức tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ với 13% tính từ đầu năm và NIM phục hồi (+34 điểm cơ bản so với quý trước).
Tuy nhiên, thu nhập ròng từ phí gây thất vọng với mức giảm đáng kể -63% svck hay -37% so với quý trước do doanh thu từ phí bancassurance suy giảm. Chất lượng tài sản cải thiện với tỷ lệ nợ xấu là 2,1% (so với 2,24% trong Q1/2024), giúp làm giảm chi phí tín dụng của ngân hàng (-21,4% svck).
Đối với HD Saison, hoạt động kinh doanh cốt lõi cũng phục hồi mạnh với LNTT tăng gấp 7 lần svck và tỷ lệ nợ xấu giảm.
Thành viên cập nhật ngày 1/6/2023: Vững vàng trước thử thách, giá mục tiêu 25.000đ/cp
VNDirect đưa ra giá mục tiêu 25.000đ/cp dựa trên tỷ trọng bằng nhau giữa P/B mục tiêu là 1,3 lần và phương pháp định giá thu nhập thặng dư (COE: 15,9%, LTG: 3%).
Tăng trưởng lợi nhuận Q1/23 khiêm tốn do áp lực chi phí dự phòng
LN ròng trong Q1/23 tăng 8,8% svck lên 2.088 tỷ đồng (hoàn thành 23% dự phóng 2023 của chúng tôi) do lãi từ chứng khoán đầu tư giảm sâu (-92,2% svck) và chi phí dự phòng tăng mạnh. Tăng trưởng thu nhập lãi của HDB đạt 19% svck nhờ tài sản sinh lãi tăng 19,7% svck và NIM tăng 18 điểm cơ bản svck. Tỷ lệ chi phí/thu nhập được kiểm soát tốt ở mức 34,6% trong Q1/23 (so với 37,6% trong Q1/22).
Tuy nhiên, chi phí dự phòng tăng 42,8% svck (tỷ lệ chi phí dự phòng/LN trước dự phòng là 26% – cao hơn mức bình quân các quý trước), do rủi ro nợ xấu tăng là khó tránh khỏi với một NH có tỷ trọng cho vay tiêu dùng và cho vay cá nhân lớn trong cơ cấu cho vay như HDB.
Tăng trưởng tín dụng ổn định nhưng chất lượng tài sản cần chú ý
Tín dụng của HDB tăng 9% so với đầu năm tính đến cuối Q1/23, chủ yếu đến từ cho vay doanh nghiệp (+15,1% so với đầu năm; chiếm 50,3% tổng cho vay, bao gồm SME) do tình trạng thiếu thanh khoản trước đó tại DN đã thúc đẩy nhu cầu vay.
Trong khi đó, môi trường lãi suất cao đã làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng cũng như khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ, làm giảm nhu cầu vay và khiến các NH thận trọng hơn khi giải ngân vào nhóm này để giảm thiểu rủi ro nợ xấu. Do đó, tăng trưởng cho vay cá nhân đã chậm lại (+5,9% so với đầu năm) và cho vay tiêu dùng giảm 7,8%. Chất lượng tài sản cũng có dấu hiệu suy yếu trong Q1/23.
Kỳ vọng mọi thứ sẽ khả quan hơn trong nửa cuối năm 2023 nhờ (1) NHNN có sự đảo chiều trong chính sách tiền tệ với ba lần cắt giảm lãi suất điều hành; và (2) tác động của các chính sách hỗ trợ.
Một trong số ít ngân hàng có khả năng giảm thiểu rủi ro thu hẹp NIM
Cho vay doanh nghiệp và tiền gửi cá nhân tăng là xu hướng chính hiện nay, theo đó NIM toàn ngành nhìn chung sẽ thu hẹp (xem báo cáo tại đây). Tuy nhiên, các NH có (1) dư nợ cho vay bán lẻ cao và đặc biệt là (2) thanh khoản dồi dào có thể hạn chế được rủi ro này; và HDB là một trong số đó.
Mặc dù tài chính tiêu dùng (TCTD) bị ảnh hưởng nặng nề trong giai đoạn khó khăn này, khiến lợi suất tài sản giảm, nhưng HDB vẫn có thể quản lý tốt chi phí vốn nhờ thanh khoản ổn định với (1) LDR không quá cao ~73% cuối Q1/23 và (2) cơ cấu huy động đa dạng (hình 6). Dự kiến NIM của HDB sẽ giảm 7 điểm cơ bản và đạt ~5% trong 2023-24.
Duy trì khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu không đổi 25.000đ/cp
Kỳ vọng LN ròng của HDB sẽ tăng 18%/21% svck trong 2023-24 (tăng trưởng kép 2020-22 là 35%) – cao hơn mức trung bình ngành 12% – nhờ tăng trưởng tín dụng và NIM ổn định bất chấp áp lực từ các khoản trích lập dự phòng.
HDB đang giao dịch ở mức chỉ 1 lần P/B 2023 (so với mức trung bình ngành là 1,2x); ngang mức -1 độ lệch chuẩn P/B trung bình 3 năm.
VNDirect đưa ra giá mục tiêu 25.000đ/cp dựa trên tỷ trọng bằng nhau giữa P/B mục tiêu là 1,3 lần và phương pháp định giá thu nhập thặng dư (COE: 15,9%, LTG: 3%).
Rủi ro giảm giá bao gồm (1) lãi suất hạ nhiệt chậm hơn dự kiến và (2) tác động của các chính sách hỗ trợ chậm hơn dự kiến.
Thành viên cập nhật ngày 19/12/2021: giá mục tiêu 32.000 đồng/cp, khuyến nghị TÍCH LŨY
Hạn mức tăng trưởng tín dụng trung bình gây áp lực lên tốc độ tăng trưởng
Tính đến cuối tháng 11, HDB có mức tăng trưởng tín dụng đạt xấp xỉ 13% so với đầu năm. Tăng trưởng huy động nhỉnh hơn tín dụng. Ngân hàng đã nhận được hạn mức tăng trưởng tín dụng là 15%, thấp hơn nhiều so với kế hoạch năm là 25%. Với HDSaison, hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2021 là 10%, tuy nhiên sau 9T2021 tốc độ tăng trưởng vẫn đang ở mức âm.
HDB đã xin cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng trong tháng cuối cùng của năm 2021. Dựa vào quan điểm chính sách tiền tệ gần đây của NHNN kết hợp với ước tính hạn mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành hiện tại là 13,6% - 13,8%, chúng tôi nghĩ vẫn có thể còn đợt tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng sắp tới và đánh giá mức tăng trưởng tín dụng cho HDB có thể đạt khoảng 20% năm 2021.
Nhìn vào xu hướng quá khứ, HDB có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận thường được dẫn dắt bởi tăng trưởng tài sản sinh lãi. Việc hạn mức được cấp thấp sẽ gây áp lực lên thu nhập của ngân hàng. Chúng tôi dự phóng thu nhập lãi thuần tăng 16% năm 2021 với NIM co hẹp. HDSaison có thể sẽ tăng trưởng tín dụng tốt hơn vào giai đoạn cuối năm nhờ tính mùa vụ.
Sau khi kết thúc thoả thuận độc quyền cũ, HDB hiện đang tìm kiếm một đối tác mới. Doanh thu phí bảo hiểm hàng năm (APE) đã bất ngờ tăng tích cực trong tháng 10 và 11 so với giai đoạn trước. HDB đã bắt đầu phân phối các sản phẩm bảo hiểm của FWD bao gồm bảo hiểm phi nhân thọ sau khi hợp đồng cũ chấm dứt. Chúng tôi điều chỉnh ước tính hàng năm đối với doanh thu phí bancassurance ở mức 1,2 nghìn tỷ. Dựa vào xu hướng cải thiện doanh số trong thời gian gần đây, mục tiêu này là khả thi. Tăng trưởng thu nhập thuần từ phí giai đoạn 2021-2022 đạt lần lượt là 74% và 24%. Trong trường hợp HDB ký thành công thoả thuận độc quyền vào thời gian tới, sẽ có bất ngờ tích cực lớn ở phía thu nhập trong năm 2022.
Tổng thu nhập hoạt động dự kiến tăng 20% năm 2021. Dự phóng này thấp hơn 5% so với trước do có sự điều chỉnh ở NIM, mức tăng trưởng tín dụng, thu nhập phí và thu hồi nợ ngoại bảng. Điều này cũng đồng nghĩa tổng thu nhập hoạt động quý 4 năm 2021 kì vọng tăng 12%. Động lượng tăng trưởng hàng quý giảm dần như kì vọng. Tổng thu nhập năm 2022 bị điều chỉnh giảm 1% do NIM.
Tiết giảm chi phí là nhân tố tăng trưởng quan trọng
Bất chấp triển vọng tăng trưởng thu nhập không quá tích cực, chúng tôi vẫn dự phóng lợi nhuận của HDB tăng trưởng mạnh mẽ trong những quý tới nhờ vào việc cải thiện hệ số CIR và chi phí tín dụng thấp.
Cụ thể, HDB đang nỗ lực duy trì hệ số CIR dưới 40%. Việc tăng năng suất nhờ tự động hoá và đầu tư công nghệ sẽ giúp HDB đạt được mục tiêu đề ra. Trong năm 2022, việc gia tăng hoạt động của HDSaison sẽ phần nào gây áp lực lên CIR. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn dự báo hệ số CIR duy trì ở mức ổn định trong năm 2022 nhờ tiếp tục cải thiện quản trị chi phí.
Chi phí tín dụng biên dự kiến sẽ là động lực tăng trưởng chính trong vài quý tới. Chất lượng tài sản suy giảm nhẹ trong quý 3 năm 2021, có thể do giảm khẩu vị rủi ro và giải ngân. Dư nợ cơ cấu giảm xuống còn 180 tỷ đồng, ngược chiều xu hướng chung của các ngân hàng so sánh. Tổng dư nợ cho vay của nhóm khách hàng được cơ cấu chỉ ở mức 2 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,0% tổng dư nợ cho vay cuối quý 3. HDB có thể sẽ gặp áp lực tăng nhẹ ở số dư nợ cơ cấu. Chúng tôi cho rằng ngân hàng có thể kiểm soát chi phí tín dụng biên dưới 1,0% năm 2021 và 2022 dựa trên khẩu vị rủi ro và chính sách trích lập dự phòng của HDB.
Chúng tôi cho rằng chi phí dự phòng có thể giảm so với cùng kỳ trong quý 4. Dư nợ nhóm 2 dự kiến giảm do tỷ lệ hình thành ròng giảm khi kinh tế hồi phục và ngân hàng tăng cường xử lý rủi ro nợ xấu. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu được dự báo cũng sẽ giảm nhẹ. Việc cải thiện hệ số CIR và chi phí tín dụng theo năm sẽ thúc đẩy tăng trưởng LNTT quý 4 đạt 30% YoY, trên nền tảng tăng trưởng thu nhập hoạt động chỉ ở mức 12%.
Triển vọng năm 2021/2022
Chúng tôi duy trì quan điểm thận trọng về bộ đệm dự phòng của ngân hàng mẹ. Trái ngược với những dự báo trước đây của chúng tôi rằng HDB có thể gặp áp lực về việc trích lập dự phòng, HDB có khả năng sẽ tiếp tục duy trì chi phí tín dụng biên thấp. Chất lượng tài sản tốt hơn kì vọng là cơ sở cho nhận định này.
Chúng tôi dự phóng LNTT giai đoạn 2021-2022 ở mức 7,958 tỷ đồng (+37% YoY) và 10,295 tỷ đồng (+29% YoY). Giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu trong năm 2021 là 14,343 đồng, còn đối với năm 2022 là 18,128 đồng. Chúng tôi hiện có dự báo HDB tăng trưởng tốt trong một vài quý tới. Điều này được thúc đẩy bởi nền so sánh của thu nhập thấp, nền trích lập dự phòng cao và chi phí được kiểm soát bao gồm chi phí hoạt động và chi phí tín dụng biên.
Khi cân nhắc thêm các yếu tố gồm động lực tăng trưởng đang giảm dần của toàn ngành và lo ngại về chất lượng tài sản bị áp lực vốn đã làm suy yếu hệ số định giá của hầu hết các ngân hàng, chúng tôi điều chỉnh tăng cấu phần định giá thị trường để phản ánh kì vọng tăng trưởng tốt hơn bình quân ngành của HDB. Do đó, giá mục tiêu được điều chỉnh tăng 11% lên 32,000 VND/cổ phiếu, tương đương với suất sinh lợi 6% so với giá đóng cửa ngày 14 tháng 12 năm 2021 và khuyến nghị TÍCH LUỸ.
Thành viên cập nhật ngày 16/10/2021: hạ giá mục tiêu xuống 28.800 đồng/cp, khuyến nghị TÍCH LŨY
Trái ngược với nửa đầu 2021, tăng trưởng tín dụng duy trì tích cực trong Q3, trong khi tăng trưởng huy động chậm lại. HDB đã xin tăng hạn mức tín dụng trong Q4, ở mức hơn 25% so với mức 10% hiện tại.
- LNTT giai đoạn 2021-2022 được điều chỉnh giảm, ở mức 7.843 tỷ đồng (+35% YoY) và 9.692 tỷ đồng (+24% YoY), tương đương giảm lần lượt -3% và -6% so với các dự báo trước đó. Giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu năm 2021 ước đạt 14.290 đồng, trong khi chỉ số này đối với kì giữa năm 2022 là 16.070 đồng mỗi cổ phiếu.
- Kết hợp với động lượng tăng trưởng toàn ngành đang giảm dần, Công ty Chứng khoán Rồng Việt hạ giá mục tiêu -2% xuống 28.800 đồng/cổ phiếu và khuyến nghị TÍCH LŨY.
Tăng trưởng tín dụng duy trì tốt trong giai đoạn giãn cách, thanh khoản dồi dào gây áp lực lên lãi suất huy động
Đến giữa tháng 9, tăng trưởng tín dụng của HDB đạt hơn 9% tính từ đầu năm, gần chạm mức trần tín dụng là 10%. So với hai năm trước, tốc độ tăng trưởng cho thấy cơ sở tín dụng mở rộng chậm hơn, nhiều khả năng do rủi ro tín dụng gia tăng ở các phân khúc khách hàng trung bình và thấp cũng như các đợt giãn cách xã hội kéo dài tại những khu vực hoạt động trọng yếu. HDB đã xin NHNN nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng lên hơn 25%. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm được đặt ra trong ĐHCĐ là 26%.
Tăng trưởng huy động tính đến giữa tháng 9 giảm trở lại, còn tăng hơn 10% so với đầu năm, do ngân hàng chủ động giảm lãi suất huy động để phù hợp với nhu cầu thanh khoản. Chênh lệch tăng trưởng tín dụng - huy động được thu hẹp, điều này có thể dẫn đến tỷ lệ LDR cải thiện trong Q3 2021 và từ đó hỗ trợ NIM.
Ước tính tỷ lệ dự trữ thanh khoản (LRR) vào khoảng 16% vào cuối tháng 6 năm 2021, giảm so với năm 2020. Cụ thể, tài sản có tính thanh khoản cao (HQLA) bao gồm trái phiếu Chính phủ giảm do lợi suất thấp và các tài sản tương tự khác như tiền gửi không kỳ hạn tại NHNN và các tổ chức tín dụng khác cũng không tăng mạnh nhằm tạo dư địa cho vay. Hệ số LDR được công bố cải thiện nhẹ lên mức 68% trong 6T2021.
Ngân hàng có thể duy trì NIM trong nửa cuối năm 2021. Trên thực tế, NIM cho đến giữa tháng 9 không suy giảm nhiều so với 6T2021, dù công bố gói lãi suất hỗ trợ. Dựa trên mức giảm lãi suất thực tế trong giai đoạn từ 15/7 - 31/8, ước tính tác động đến lợi suất cho vay bình quân trong 6 tháng cuối năm là khoảng 0,2%. HDB có thanh khoản tốt với nền tảng tài sản có tính thanh khoản cao do sở hữu mô hình cho vay lợi suất cao.
Điều này mang lại cho ngân hàng dư địa để quản lý NIM một cách hiệu quả trong giai đoạn phân khúc tài chính tiêu dùng không đóng góp nhiều. Giải ngân cho các phân khúc khác có lợi suất cho vay tốt sẽ là yếu tố hỗ trợ NIM. Ví dụ, lãi suất thực tế của các khoản cho vay dự án năng lượng mặt trời thường trên 10% và lãi suất thực tế của các khoản cho vay nông nghiệp phân khúc bán lẻ dao động từ 9-10%.
Hệ số LDR sẽ được cải thiện hơn trong giai đoạn tới, dẫn dắt bới hạn mức tín dụng cao và tỉ lệ LRR giảm. NIM được dự phóng không đổi, duy trì ở mức quanh 4,5% trong nửa sau năm 2021 và phản ánh một đường NIM phẳng. Lợi suất cho vay dự kiến giảm nhẹ trong khi chi phí huy động tăng do phát hành trái phiếu và tỷ lệ CASA không cải thiện nhiều, mặc dù HDB vừa cắt giảm lãi suất huy động. Thay đổi cấu trúc bảng cân đối được dự báo là yếu tố chính hỗ trợ NIM.
Kì vọng vào tốc độ tăng trưởng tổng tài sản cao và quản trị chi phí hiệu quả
Trong vài quý vừa qua, HDB có tốc độ tăng trưởng thu nhập chủ yếu được dẫn dắt bởi tăng trưởng tài sản sinh lãi và hệ số CIR cải thiện. Ngân hàng đánh đổi “biên lãi” với "dư nợ" khi mà thay đổi ở NIM đóng góp tiêu cực trong đợt bùng phát đại dịch. Chính sách tiền tệ hỗ trợ sẽ giúp HDB mở rộng bảng cân đối và đặc biệt là cơ sở tín dụng trong giai đoạn tới và từ đó, trở thành động lực dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận của HDB.
Ngân hàng cũng nỗ lực nâng cấp hoạt động thông qua công nghệ và tự động hóa để cải thiện hệ số CIR, chẳng hạn như số hóa các thủ tục giấy tờ. Tuy nhiên, sự cải thiện gần đây của hệ số CIR vẫn chủ yếu do HDSaison hoạt động chậm lại trong giai đoạn Covid-19 và tốc độ mở rộng số lượng nhân viên duy trì thấp.
Các nguồn thu nhập ngoài lãi sẽ chưa đóng góp mạnh trong ngắn hạn, mặc dù đã có kết quả tốt hơn kì vọng trong giai đoạn giãn cách. Ước tính tổng phí bảo hiểm hàng năm (APE, bao gồm top-up) trong Q3 đạt khoảng 125 tỷ đồng, giảm -24% so với quý trước.
Với kỳ vọng mảng bancassurance, mảng chiếm phần lớn thu nhập từ dịch vụ thuần của HDB, phục hồi chậm trong Q4, tổng APE của HDB trong nửa cuối năm có thể chỉ giảm –3% so với nửa đầu năm. Tuy nhiên, hệ số thu nhập dịch vụ ròng trên tổng tài sản thấp sẽ cản trở khả năng đóng góp của nguồn thu nhập này vào tổng thu nhập. Ngân hàng có thể ghi nhận thu nhập từ mua bán trái phiếu để hỗ trợ lợi nhuận khi nắm giữ lượng lớn trái phiếu kỳ hạn dài trước khi đại dịch bùng phát.
Xét đến yếu tố tỷ trọng chi phí hoạt động trên tổng thu nhập hoạt động cao, diễn biến phức tạp của đại dịch và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trái phiếu, tăng trưởng lợi nhuận trong giai đoạn tới vẫn sẽ phụ thuộc nhiều vào tăng trưởng tổng tài sản cao và quản trị chi phí nhằm đối phó với các áp lực từ chi phí tín dụng và NIM.
Triển vọng năm 2021/2022
Chúng tôi không đánh giá cao bộ đệm dự phòng của ngân hàng mẹ do duy trì ở mức thấp hơn tỷ lệ hình thành nợ xấu. Có thể sẽ có độ trễ nhất định trong việc hình thành nợ xấu, vốn được ước tính sẽ tăng trong Q4/2021. Cùng với việc cơ sở tín dụng dự kiến sẽ mở rộng mạnh ở quý cuối cùng của năm 2021 trong giai đoạn nhiều biến động như hiện nay, nợ tái cơ cấu và chi phí tín dụng sẽ gia tăng.
Tuy nhiên, mức trích lập dự phòng sẽ không cao hơn đáng kể so với tỷ lệ hình thành nợ xấu ròng nhằm tăng cường bộ đệm, khi xét đến chính sách trích lập dự phòng trước đây và khẩu vị rủi ro của ngân hàng. Do đó, duy trì quan điểm thận trọng đối với HDB, với mức độ phơi nhiễm cao với các phân khúc trung bình và thấp, bộ đệm dự phòng và chất lượng tài sản vừa phải.
Khi cân nhắc lo ngại về nợ xấu, chúng tôi tăng chi phí tín dụng dự báo cho giai đoạn 2021-2022 lên 1,1%. Do đó, lợi nhuận được điều chỉnh giảm xuống 7.843 tỷ đồng (+35% YoY) và 9.692 tỷ đồng (+24% YoY). Điều này tương đương với mức điều chỉnh lần lượt là -3% và -6% so với ước tính trước đó và đồng nghĩa LNTT nửa sau năm 2021 tăng trưởng +25% so với cùng kì. Giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu năm 2021 ước đạt 14.290 đồng, trong khi chỉ số này đối với giữa năm 2022 là 16.070 đồng/cổ phiếu.
Kết hợp với động lượng tăng trưởng toàn ngành suy giảm, Công ty Chứng khoán Rồng Việt giảm giá mục tiêu -2% xuống 28.800 đồng/cổ phiếu và khuyến nghị TÍCH LŨY.
Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HD Bank, mã HDB)
HDB được thành lập ngày 11/02/1989 với tên gọi ban đầu là Ngân hàng Phát triển Nhà Thành phố Hồ Chí Minh
Trải qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển không ngừng, HD Bank thuộc nhóm dẫn đầu những ngân hàng TMCP lớn nhất Việt Nam với mạng lưới giao dịch khoảng 62 chi nhánh, 221 phòng giao dịch trên cả nước với tổng số nhân viên là 6.478 nhân sự (cập nhật 2020).
Nguồn vốn đầu tư của HDBank chủ yếu đến từ các nhà đầu tư cá nhân và các tổ chức trong nước nên có thể khẳng định HDBank là một ngân hàng tư nhân 100%. Mặc dù là một ngân hàng tư nhân nhưng HDBank vẫn nằm dưới sự quản lý của ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo đúng quy định pháp luật của ngành
Quá trình phát triển của HDBank
Năm 1989, ngân hàng HDBank chính thức thành lập với tên gọi ban đầu là Ngân hàng Phát triển Nhà Thành phố Hồ Chí Minh (theo Quyết định số 47/QĐ-UB ngày 11/02/1989)
Năm 1992, HDBank chính thức được chuyển đổi mô hình thành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Nhà Thành phố Hồ Chí Minh đồng thời tăng vốn điều lệ lên 5 tỷ đồng
Năm 2010, HDBank chính thức phát hành thẻ và cung cấp các dịch vụ bảo hiểm lần đầu ra thị trường đồng thời tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng
Ngày 19/09/2011, HDBank tiến hành đổi tên Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Nhà Thành phố Hồ Chí Minh thành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh
Năm 2013, ngân hàng HDBank tiến hành sáp nhập với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Á (DaiABank) vào HDBank, tăng vốn điều lệ lên 8.100 tỷ đồng, tổng tài sản gần 90.000 tỷ VND và trở thành 1 trong 10 ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam
Năm 2018, Niêm yết thành công trên HOSE giúp HDBank trở thành ngân hàng nằm trong nhóm 20 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất HOSE
Giai đoạn từ 2019 đến nay, HDBank vẫn luôn tập trung hoàn thiện toàn diện hệ thống và đẩy mạnh các hoạt động bán lẻ và SME, đồng thời kết hợp các công nghệ hiện đại nhằm liên tục cải tiến và tạo ra những dịch vụ đa dạng, tiện lợi cho khách hàng
Moody's nâng triển vọng tín nhiệm của HDBank - HDB lên Tích cực: Theo Moody’s, kết quả này dựa trên xếp hạng tín nhiệm cơ sở (BCA) của HDBank có thể được điều chỉnh nâng bậc trong 12-18 tháng tới nhờ cải thiện chất lượng tài sản, giảm chi phí dự phòng trong những năm qua. Mặt khác, khả năng sinh lời của nhà băng này được nâng cao nhờ lợi suất tốt hơn từ cho vay cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cũng theo Moody's, năng lực về vốn của ngân hàng sẽ tiếp tục xu hướng ổn định nhờ nguồn vốn nội bộ đủ để đáp ứng cho tăng trưởng tổng tài sản.