Q3-2024: doanh thu đạt 2.845 tỷ đồng (+59% YoY) nhờ sản lượng tôm tăng 41% YoY và giá bán tôm ước tính theo VND tăng 14% YoY. Giá bán tôm theo VND tăng 6% QoQ nhưng biên gộp thấp hơn dự phóng của chúng tôi, đạt 10,8% (giảm từ mức 11,3% trong Q2/2024). Chi phí bán hàng tăng 150% YoY do chi phí vận chuyển tăng gấp 3 lần đã làm LNST Cty Mẹ (LNST CTM) giảm còn 80 tỷ đồng (-1% YoY).
Năm 2024, dự phóng doanh thu lên 7.279 tỷ đồng (+43,1% YoY) với sản lượng tăng 29% YoY và giá bán tăng 12% YoY. Tuy nhiên, giảm dự phóng LNST CTM xuống 280 tỷ đồng (+1,3% YoY) từ mức 342 tỷ đồng do tăng 37% chi phí bán hàng so với dự phóng trước đó. EPS 2024 sau điều chỉnh quỹ phúc lợi tương đương là 4.235 đồng (+1,3% YoY).
Rồng Việt nhận thấy FMC hiện tại chưa thật sự hấp dẫn trong ngắn hạn khi đang giao dịch tại P/E forward năm 2024 sau điều chỉnh là 10,9x (mức này cao hơn mức trung bình 5 năm 2018-2023 tại 7,x).
Thành viên cập nhật ngày 11/6/2024: Xem xét mua vào tại mức giá 44.400 đồng/cp
Bằng cách sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền, FPTS xác định giá mục tiêu cổ phiếu FMC là 52.200 đồng/cp, đưa ra khuyến nghị THEO DÕI đối với cổ phiếu FMC.
Nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu có thể cân nhắc chốt lời tại mức giá này hoặc xem xét mua vào tại mức giá 44.400 đồng/cp. Khuyến nghị này được đưa ra dựa trên các luận điểm sau:
Tổng tồn kho tôm toàn cầu kỳ vọng giảm đáng kể trong 1H/2024, tuy nhiên triển vọng phục hồi giá xuất khẩu của FMC trong năm 2024 còn hạn chế. Kỳ vọng nhu cầu toàn cầu phục hồi nhờ lạm phát giảm, kết hợp nguồn cung tôm mở rộng hạn chế sẽ giúp giảm đáng kể tổng tồn kho tôm toàn cầu trong 1H/2024.
Mặc dù tồn kho giảm là động lực hỗ trợ giá xuất khẩu phục hồi, sự tăng giá mạnh của USD so với các đồng tiền khác sẽ khiến khả năng tăng giá xuất khẩu của FMC bị hạn chế, dự phóng năm 2024 đạt 11,3 USD/kg (+1% YoY).
Theo đó, DT thuần và LNST CT mẹ năm 2024 dự phóng chỉ cải thiện nhẹ, đạt 5.730 tỷ đồng (+13% YoY) và 296 tỷ đồng (+7% YoY).
Vụ kiện chống trợ cấp tại Mỹ tạm thời không gây gián đoạn đối với hoạt động xuất khẩu của FMC sang thị trường này trong năm 2024. Tại T3/2024, Bộ Thương Mại Mỹ đưa ra quyết định đánh thuế chống trợ cấp 2,8% đối với ngành tôm Việt Nam.
Sự kiện này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận tại Mỹ của FMC do ước tính khoảng 70% sản phẩm tôm xuất khẩu của doanh nghiệp là đối tượng bị đánh thuế chống trợ cấp, tuy nhiên hoạt động xuất khẩu trong năm 2024 kỳ vọng không bị gián đoạn do FMC vẫn duy trì được lợi nhuận tại thị trường này, dựa trên mức biên lợi nhuận trước thuế tại Mỹ trong giai đoạn 2019 - 2023 ước tính đạt bình quân 5,5%, cao hơn mức thuế 2,8%.
YẾU TỐ CẦN THEO DÕI: Kết quả chính thức vụ kiện chống trợ cấp tại Mỹ đối với ngành tôm Việt Nam dự kiến công bố vào T8/2024.
Thành viên cập nhật ngày 25/5/2023: Triển vọng dài hạn, giá hợp lý 50.300 đồng/cp
Đẩy mạnh năng suất chế biến tạo động lực tăng trưởng dài hạn
Năm 2022, FMC đã mở rộng thêm hai nhà máy chế biến là nhà máy Tam An và nhà máy Sao Ta với công suất lần lượt là 5,000 tấn/năm và 15,000 tấn/năm. Sau khi các nhà máy mới hoạt động hết công suất, công suất của các nhà máy FMC sẽ tăng từ khoảng 25,000 tấn/năm lên 45,000 tấn/năm.
Vào thời điểm hoạt động tối đa công suất vào năm 2027F, kì vọng sản lượng tôm và nông sản sẽ tăng khoảng 40% so với năm 2022.
Mở rộng vùng nuôi giúp nâng cao năng lực tự chủ nguyên liệu
Vào tháng 7/2022, FMC đã mở rộng thêm 200ha diện tích nuôi mới, góp phần nâng tổng diện tích vùng nuôi lên 520ha. Việc mở rộng vùng nuôi sẽ giúp công ty duy trì tỷ lệ tự chủ nguyên liệu lên mức 30% và góp phần ổn định biên lợi nhuận gộp.
Hiện tại, FMC đang trong quá trình làm ao khu nuôi mới và dự kiến đến cuối tháng 5 sẽ bắt đầu thả nuôi tại đây.
Sản phẩm tôm tinh chế là thế mạnh của FMC
FMC tập trung và phát huy thế mạnh về các sản phẩm tôm chế biến như tôm bao bột, tôm duỗi, tôm chiên, hiện đang chiếm tỷ trọng 60% tổng sản phẩm và có biên lợi nhuận gần gấp đôi so với các sản phẩm tôm tươi, tôm đông lạnh. Ngoài ra, FMC có tệp khách hàng lâu năm tại thị trường Nhật Bản ưa chuộng các sản phẩm tôm tinh chế phù hợp thế mạnh của công ty.
Hưởng lợi từ hiệp định EVFTA và CPTPP
Mức thuế ưu đãi từ EVFTA và CPTPP sẽ mang đến nhiều lợi thế cho FMC với thế mạnh là sản phẩm tôm chế biến nhằm mở rộng xuất khẩu sang EU và Nhật Bản. Theo đó, thị trường Nhật Bản và EU là hai thị trường xuất khẩu chính của FMC với tỷ trọng luôn chiếm khoảng 50% - 60% trong cơ cấu doanh thu xuất khẩu.
Định giá & khuyến nghị
Do áp lực từ nhu cầu suy yếu tại các thị trường tiêu thụ và cạnh tranh gay gắt từ Ecuador và Ấn Độ, chúng tôi dự phóng thận trọng doanh thu thuần của FMC năm 2023F đạt 5,305 tỷ đồng (-7% YoY), LNST giảm nhẹ -2.1% YoY đạt 314 tỷ đồng.
Dù vậy, Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) vẫn tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng dài hạn của FMC, bằng phương pháp định giá Discounted Cash Flow (DCF) và EV/EBITDA, chúng tôi ước tính mức giá hợp lý dành cho cổ phiếu FMC là 50,300 đồng/cổ phiếu.
Do đó PHS đưa ra khuyến nghị Mua cho FMC với mức tăng giá tiềm năng là 22% so với giá hiện tại.
Rủi ro: (1) Rủi ro cạnh tranh; (2) Rủi ro nguồn nguyên liệu đầu vào; (3) Rủi ro tỷ giá hối đoái; (4) Rủi ro tập trung doanh thu; (5) Rủi ro dịch bệnh; (6) Rủi ro lạm phát.
Cập nhật ngày 11/9/2021: VNDirect khuyến nghị Khả quan, giá mục tiêu 80.300 đồng/cp
Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, Fimex VN, mã chứng khoán FMC là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 5,3% kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2021.
Kỳ vọng ngành xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ có triển vọng tươi sáng nhờ các yếu tố sau: (1) nhu cầu ngày càng tăng mạnh trên toàn thế giới đối với các sản phẩm thủy sản nuôi trồng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 14,8% trong giai đoạn 2021-30, theo FAO, bao gồm cả các sản phẩm tôm; (2) Mỹ áp thuế nhập khẩu cao đối với sản phẩm tôm của Ấn Độ; (3) mức thuế thấp hơn đối với tôm của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường lớn như Liên minh Châu Âu (EU), Nhật Bản.
FMC có vị thế tốt để nắm bắt nhu cầu phục hồi của thị trường xuất khẩu
Năm 2022 được kỳ vọng là một năm tươi sáng đối với toàn ngành thủy sản Việt Nam, trong đó có ngành tôm khi nhu cầu từ thị trường xuất khẩu mục tiêu sẽ phục hồi mạnh mẽ. FMC là một trong những nhà xuất khẩu tôm lớn nhất tại Việt Nam, ước tính chiếm gần 5,3% kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam vào năm 2021. Chuỗi giá trị tích hợp cho phép công ty thích ứng với mọi yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, kế hoạch mở rộng trong năm 2022-25 theo ước tính của chúng tôi sẽ 1) nâng tỷ lệ tự cung cấp tôm nguyên liệu lên 50% trong năm 2025 từ mức hiện tại là 20-30%, cắt giảm 3-5% chi phí tôm nguyên liệu, và 2) tăng khoảng 80% công suất chế biến trong năm 2022 nhờ hai nhà máy mới.
Cả doanh thu và lợi nhuận sẽ tăng trưởng tốt trong 2022-23
VNDirect kỳ vọng DT của FMC sẽ tăng trưởng 17,4%/15,5% svck trong 2022/23 do 1) DT sản phẩm tôm tăng 16,2%/ 14,7% svck và 2) DT từ sản phẩm nông sản tăng 56,3%/34,3% svck. Giả định chính của chúng tôi là (1) giá bán bình quân của sản phẩm tôm sẽ tăng +5,5%/-2,1% svck và (2) sản lượng tiêu thụ tôm của FMC tăng 15,6%/16,7% svck do nhu cầu mạnh từ các thị trường xuất khẩu.
Kỳ vọng mức tăng 0,5/0,6 điểm % của biên LN gộp trong năm 2022/23 nhờ 1) tỷ lệ tự chủ tôm nguyên liệu cao hơn, và 2) giảm chi phí cho tôm giống và thức ăn, qua đó dự báo LN ròng tăng trưởng 18,8%/23,3% svck.
Khuyến nghị Khả quan và giá mục tiêu 80.300 đồng/cp
Giá mục tiêu của VNDirect dựa trên định giá DCF 10 năm (WACC: 12%, tăng trưởng: 2%) và tương đương với P/E 2022/23 là 17,0/13,8 lần. Tiềm năng tăng giá là nhu cầu cùng với giá tôm và nông sản cao hơn chúng tôi dự kiến.
Rủi ro giảm giá bao gồm dịch Covid-19 kéo dài hơn dự kiến có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng và ảnh hưởng đến nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu chính.
Cập nhật ngày 11/9/2021: Rồng Việt khuyến nghị TÍCH LŨY cổ phiếu FMC
Doanh thu xuất khẩu tôm của FMC giảm mạnh 56% so với cùng kỳ trong tháng 8 do công suất hoạt động thấp trong bối cảnh giãn cách nghiêm ngặt ở phía Nam. Tuy nhiên, FMC đã không còn áp dụng quy tắc “3 tại chỗ” kể từ cuối tháng 8 và dự kiến sẽ phục hồi về mức công suất bình thường từ giữa tháng 9.
Ngoài ra, việc tăng giá bán và chi phí tôm nguyên liệu giảm sẽ cải thiện biên lợi nhuận gộp của FMC trong nửa cuối năm 2021 (+370 điểm cơ bản n/n đạt mức 13,7%).
Trong quý 3/2021, dự báo doanh thu và LNST lần lượt là 1.363 tỷ đồng (-16% YoY) và 61 tỷ VND (-14% YoY). Cả năm 2021, dự báo doanh thu lần lượt là 4.961 tỷ đồng (+ 12% YoY) và LNST là 250 tỷ đồng (+ 11% YoY). EPS tương ứng năm 2021 là 4.212 đồng và PER dự phóng năm 2021 là 11,2 lần.
Điều chỉnh tăng giá mục tiêu thêm 16% so với mức định giá gần nhất lên 47.000 đồng/cổ phiếu do tăng dự phóng LNST giai đoạn năm 2021-2022 thêm 22% so với dự phóng trước đó nhờ công suất phục hồi sớm hơn dự kiến và giá bán tăng.
Với mức cổ tức tiền mặt dự kiến trong 12 tháng tới là 2.000 đồng/cổ phiếu, tổng mức sinh lời sẽ đạt 10% tính theo giá đóng cửa ngày 08/09/2021.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt khuyến nghị TÍCH LŨY đối với FMC.
Doanh thu xuất khẩu tôm giảm 56% so với cùng kỳ trong tháng 8 do giãn cách nghiêm ngặt ở Việt Nam
Ngành tôm của Việt Nam đã chứng kiến một bức tranh ảm đạm trong tháng 8 với giá trị xuất khẩu giảm mạnh khoảng 40% YoY, theo VASEP (Hình 1). Công suất hoạt động của các nhà máy chế biến thủy sản giảm đáng kể khi chỉ có 30 - 40% công ty thủy sản có thể thích ứng với chính sách giãn cách theo chỉ thị 16. VASEP dự báo giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có thể giảm ít nhất 20% YoY trong tháng 9. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng các công ty lớn sẽ ít bị ảnh hưởng hơn các công ty nhỏ vì họ có đủ nguồn lực để duy trì hoạt động sản xuất trong khi các công ty nhỏ hơn đã ngừng hoạt động. Hơn nữa, nhiều công ty thủy sản lớn đã dần khôi phục năng lực sản xuất nhờ việc triển khai vắc xin.
Tác động tiêu cực của công suất thấp theo các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt bắt đầu phản ánh vào doanh thu tháng 8 của FMC với mức giảm mạnh 56% so với cùng kỳ, ghi nhận 11,1 triệu USD (Hình 2). Trong bối cảnh công suất sản xuất giảm 50-60% so với thông thường, FMC đã đưa ra chiến lược ưu tiên thu hoạch tôm và xử lý cơ bản trước khi chế biến sâu (nấu, lột vỏ) để duy trì cả chất lượng tôm và lượng tồn kho tôm nguyên liệu ở mức chấp nhận được. Điều này giải thích tại sao sản lượng tôm chế biến chỉ giảm 32% trong khi doanh số bán hàng giảm mạnh 56% trong tháng 8. Chúng tôi đánh giá cao chiến lược này vì nó sẽ tạo ra lợi thế cho FMC ở hai khía cạnh:
Lượng tôm nguyên liệu tồn kho đã chế biến cơ bản dùng cho chế biến xuất khẩu trong tháng 9 và tháng 10 tăng khi công suất các nhà máy chế biến đang dần phục hồi tốt.
Khả năng hấp thụ đà tăng của giá tôm xuất khẩu do nhiều nhà máy sản xuất tôm đóng cửa trong tháng 8 khi mùa cao điểm nhu cầu xuất khẩu đang đến sẽ đẩy giá xuất khẩu tăng và mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn dự trữ nguyên liệu được chuẩn bị tốt.
Biên lợi nhuận gộp tăng trong nửa cuối năm 2021 nhờ tôm nguyên liệu dự trữ giá thấp và giá xuất khẩu tăng
Theo chính sách giãn cách xã hội mới của tỉnh Sóc Trăng, các công ty sản xuất không nằm trong “vùng đỏ” có thể chấm dứt hoạt động theo “3 tại chỗ” từ giữa tháng 8 trở đi. Cuối tháng 8, FMC không còn áp dụng 3 tại chỗ và nâng công suất lên 80% thông thường.
Do đó, sản lượng xuất khẩu tôm sẽ phục hồi và có thể đi ngang so với cùng kỳ trong tháng 9. Sản lượng xuất khẩu quý 4/2021 sẽ tăng 14% so với cùng kỳ, do đây là mùa cao điểm xuất khẩu tôm trong khi nhiều nhà chế biến tôm trong nước vẫn đang gặp khó khăn với công suất hoạt động thấp.
Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, Fimex VN, mã chứng khoán FMC
Tiền thân là doanh nghiệp 100% vốn Ban TCQT Tỉnh uỷ Sóc Trăng, thành lập ngày 20/1/1995, đi vào hoạt động 3/2/1996 chuyên chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu. Đến 1/1/2003 doanh nghiệp được cổ phần và đổi tên là Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, tên thương mại FIMEX VN. Ngày 7/12/2006 cổ phiếu FIMEX VN lên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM với mã tên FMC và phần vốn Văn phòng Tỉnh uỷ Sóc Trăng sở hữu đến nay chỉ còn dưới 3%.
Với vị trí nhà máy chế biến đặt tại TP Sóc Trăng, gần trục lộ giao thông chính, kề bên khu dân cư và cách vùng nguyên liệu tôm trọng điểm của tỉnh từ 20-30 km, FMC thuận lợi trong việc vận chuyển nguyên liệu, sản phẩm, thu hút lao động cũng như mở rộng ngành nghề sau này.
FMC đã đặt được nền tảng vững chắc ở các thị trường lớn là EU, Nhật Bản và Hoa Kỳ; đồng thời giữ một thị phần khá tốt ở Hàn Quốc, Úc. Trình độ chế biến sản phẩm tôm ở FMC thuộc hàng đầu ở Việt Nam và đã được tiêu thụ ở các hệ thống nhà hàng, hệ thống phân phối lớn.
Từ năm 2008, FMC đã lập thêm nhà máy chế biến nông sản (Nhà máy Thực phẩm An San), tiêu thụ chủ yếu ở thị trường Nhật Bản với các sản phẩm chính là kakiage, rau củ trộn (vegetable mixed), khoai lang, đậu bắp, cà tím, ớt chuông… , ở dạng hấp, chiên, tươi, phối chế…Nhận thấy tình hình nuôi tôm đang phát triển, từ đầu năm 2015, FMC đưa thêm nhà máy chế biến tôm đông lạnh mới xây xong vào hoạt động (Nhà máy Thủy sản Sao Ta – STSF), tăng công suất chế biến thêm 60%. Từ cuối năm 2018 Nhà máy Tin An chuyên chế biến tôm bao bột đi vào hoạt động.
FMC có vùng nuôi tôm riêng rộng 270 hecta, đạt chuẩn BAP, ASC tạo thêm an tâm về tôm sạch tới khách hàng. Năm 2013, FMC vượt mốc 100 triệu USD doanh số. Phấn đấu doanh số năm 2021 sẽ đạt mốc 200 triệu USD. Với thành tích hơn 25 năm hoạt động hiệu quả cao, Công ty đã được Chính phủ 9 lần tặng thưởng cờ thi đua, danh hiệu Anh hùng lao động và huân chương lao động hạng I, II, III.
Trong chiến lược phát triển của mình, đến năm 2025 FMC sẽ tăng gấp đôi diện tích nuôi tôm, tranh thủ mọi cơ hội từ các hiệp định tự do thương mại để mở rộng quy mô kinh doanh, tăng hiệu quả hoạt động và nằm trong tốp 2 những nhà chế biến tôm lớn nhất Việt Nam.