Cập nhật ĐHCĐ bất thường: Bầu bổ sung hai thành viên HĐQT
Ngày 17/10, CTG đã tổ chức thành công Đại hội cổ đông bất thường với nội dung chính là bầu bổ sung hai thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2024-2029. Theo đó, Đại hội đã thông qua việc bầu bổ sung hai thành viên sau vào vị trí TV HĐQT:
Ông Nguyễn Trần Mạnh Trung (sinh năm 1983) hiện là Phó Tổng giám đốc CTG (từ 2022). Trước đó, ông là Giám đốc CN Hà Nội (2015-2022) và Phó giám đốc khối, kiêm TP KH DN lớn (từ 2014-2015). Ông đã có 19 năm kinh nghiệm công tác tại CTG.
Ông Nguyễn Việt Dũng (sinh năm 1986) hiện là Thư ký Thống đốc NHNN (từ 2022). Ông bắt đầu công tác tại NHNN từ 2013 với chức vụ Chuyên viên lãi suất, thuộc vụ Chính sách tiền tệ. Sau đó, ông chuyển sang công tác tại Phòng Thư ký – Văn phòng NHNN kể từ năm 2014.
Sau ĐHCĐ bất thường, CTG tiến hành Hội nghị Công bố các quyết định công tác cán bộ. Ông Nguyễn Trần Mạnh Trung cũng đã được bổ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc VietinBank, thời hạn bổ nhiệm giữ chức vụ là 05 năm, kể từ ngày 17/10/2024. Ghế tổng giám đốc của VietinBank được bỏ trống kể từ ngày 7/9/2021, sau khi ông Trần Minh Bình được miễn nhiệm để đảm trách vị trí Chủ tịch HĐQT. Sau đó, các phó tổng giám đốc thay nhau phụ trách Ban điều hành như ông Nguyễn Hoàng Dũng (7/9/2021 đến 1/9/2023) và ông Đỗ Thanh Sơn (1/9/2023 đến 17/10/2024).
Dự phóng KQKD Q3-2024: LNTT dự phóng tăng trưởng 42% YoY trên nền thấp của năm trước
Cho Q3-2024, chúng tôi dự phóng Thu nhập lãi thuần/Tổng thu nhập hoạt động/LNTT hợp nhấttăng trưởng lần lượt 19% YoY/12% YoY/42% YoY. Nhìn chung, động lực chính cho tăng trưởng LNTT đến từ NIM mở rộng 5 bps trên nền thấp của cùng kỳ kết hợp với quy mô tín dụng tăng trưởng khoảng 16% YoY, và chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng giảm 7% YoY. Các giả định chính như sau:
Tăng trưởng tín dụng 9 tháng 2024 của CTG ước đạt 9% (hay 15,8% YoY), trong khi tăng trưởng huy động vốn 9 tháng 2024 là 7,9%, thay đổi đáng kể so với mức tăng trưởng 2,7% trong nửa đầu năm. Chúng tôi cho rằng lực đẩy cho tăng trưởng huy động nhiều khả năng dến từ kênh giấy tờ có giá, trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm tại CTG vẫn chưa có sự thay đổi so với thời điểm cuối Q1.
Trên thực tế, CTG đã bắt đầu khởi động phát hành TPDN kể từ đầu Q3. Trong Q3/2024, CTG đã huy động từ kênh này khoảng 9.425 tỷ đồng với kỳ hạn bình quân khoảng 10,8 năm và đồng thời mua lại trước hạn 2.920 tỷ đồng dư nợ trái phiếu trước hạn. Lãi suất coupon bình quân của các trái phiếu đã phát hành trong Q3 là 6,14% thấp hơn 35 bps so với lãi suất tương ứng của các trái phiếu đã được mua lại. Cũng liên quan đến nguồn vốn huy động, tiền gửi thanh toán của KBNN gửi tại các NHTM quốc doanh, trong đó có CTG, đã bắt đầu giảm tương đối mạnh trong Q3 (Cuối Q2/2204: tiền gửi KBNN tại CTG là 107 nghìn tỷ đồng).
Do những diễn biến liên quan tới huy dộng trên, chi phí vốn nhiều bắt đầu tăng lên kể từ Q3. Trong khi đó, lãi suất đầu ra có ít khả năng giảm trong Q3 sau khi chi phí vốn đã tạo đáy trong Q2 và tác động của việc giảm lên đến 2% lãi suất cho vay đối với khoảng gần 50 nghìn tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi bão Yagi tại CTG (trên tổng quy mô gói hỗ trợ là 100 nghìn tỷ đồng) lên thu nhập lãi là không quá đáng kể (khoảng 200 tỷ đồng mỗi quý). Thu nhập lãi giảm do áp dụng gói vay ưu đãi lãi suất này có thể bắt đầu phản ảnh đầy đủ kể từ Q4. Do đó, chúng tôi kỳ vọng NIM (theo quý) của CTG giảm khoảng 5 bps so với quý trước, xuống 2,91%. Tuy nhiên, mức NIM này vẫn cao hơn khoảng 5 bps so với cùng kỳ năm 2023
Trong ĐHCĐ, ban lãnh đạo cũng cho biết tỷ lệ nợ xấu trước CIC tại Q3-2024 là 1,4%. Điều này hàm ý nợ xấu nội bảng giảm hơn 2 nghìn tỷ so với quý trước. Điều này là phù hợp với diễn biến một phần lớn nợ xấu đã phát sinh trong Q2/2024 đã được kiểm soát và đưa về nhóm nợ tiêu chuẩn.
Với quan điểm thận trọng, chúng tôi giả định tỷ lệ nợ xấu hình thành ròng (trước kiểm soát nợ xấu đưa về nhóm nợ tiêu chuẩn và sau xử lý rủi ro) là 0,5% (Q1-2024: 0,59% và Q2-2024: 0,96%) và tỷ lệ chi phí tín dụng 0,4% (Q1-2024: 0,5% và Q2-2024: 0,5%). Chi phí trích lập dự phòng ước đạt 6,9 nghìn tỷ đồng, giảm 7% YoY.
Cập nhật dự phóng 2024F
Đối với dự phóng 2024F, chúng tôi điều chỉnh giảm 5% LNTT 2024F so với dự phóng trước đó xuống mức 27,9nghìn tỷ đồng (+12% YoY) từ mức 29,5nghìn tỷ đồng (+18% YoY) dựa trên điều chỉnh (1) giảm nhẹ tăng trưởng tín dụng hợp nhất cả năm từ 14,4% xuống 13,8%khi sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng vẫn chưa ổn định khi, theo ban lãnh đạo, tăng trưởng tín dụng giảm nhẹ trở lại vào đầu tháng 10, và (2) và giảm 7 bps của NIM xuống 2,92%.
Trước đó, CTG đã công bố các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2024 như sau: Tổng tài sản tăng 8-10%, Tỷ lệ nợ xấu <1,8%, LNTT riêng lẻ 26,300 tỷ đồng (tăng 8,7% YoY). Ngoài ra, CTG dự kiến chi phí dự phòng năm 2024 là 25 nghìn tỷ - 26 nghìn tỷ đồng.
Thành viên cập nhật ngày 23/9/2023: khuyến nghị Khả quan, giá mục tiêu lên 38.500 đồng/cp
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank, mã CTG) duy trì chất lượng tài sản ở mức tốt khi hầu hết các NH đều có sự suy giảm chất lượng tài sản trong khoảng thời gian hiện tại.
Tổng thu nhập HĐKD của CTG đạt ~17.800 tỷ đồng trong Q2/23 (+11,5% svck) nhờ thu nhập lãi tăng 6,2% svck và thu nhập ngoài lãi tăng 27,7%. Mức tăng trưởng ấn tưởng của thu nhập ngoài lãi đến từ 2 yếu tố chính: i) lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt ~1.200 tỷ (+44,6% svck) – mức cao thứ nhì toàn ngành và ii) thu nhập khác đạt 1.800 tỷ (+60% svck) chủ yếu nhờ công tác thu hồi nợ xấu đạt 2.000 tỷ đồng.
NIM tăng trưởng nhờ khai thác nguồn vốn liên ngân hàng giá rẻ
CTG có thể cải thiện NIM svck trong hoàn cảnh toàn ngành khó khăn như hiện tại, đặc biệt trong bối cảnh các khoản tiền gửi/vay từ Chính phủ và NHNN (một trong những nguồn vốn quan trọng với các NH quốc doanh) đã giảm mạnh trong Q2/23.
Cụ thể, tỷ trọng các khoản vay từ Chính phủ trên tổng tài sản chịu lãi đã giảm về mức 0,3% từ mức 6% tại cuối Q1/23. Sự thiếu hụt nguồn vốn này đã được bù đắp từ nguồn vốn liên NH – với mức lãi suất đang ở mức đáy trong 2 năm gần đây, từ đó giúp NH cải thiện NIM.
Cho nửa cuối năm 2023, dự phóng NIM của CTG có thể đạt mức 3% trong năm nay (duy trì cùng mức sv năm ngoái). CTG vẫn có thể cải thiện NIM trong nửa cuối 2023 khi mức lãi suất tiền gửi của NH đã giảm 0,7 – 1,7 điểm % từ cuối Q2/23 cho các khoản tiền gửi có kỳ hạn dài hơn 6 tháng.
Chất lượng tài sản được kiểm soát tốt nhờ trích lập dự phòng mạnh mẽ
Tại cuối Q2/23, tỷ lệ nợ xấu của CTG đạt 1,27% – giảm nhẹ sv quý trước (1,28%) và ở mức thấp thứ 4 trong số các NH có cùng quy mô. Trong khi đó, tỷ lệ bao nợ xấu của NH đạt 169% – giảm nhẹ từ mức 173% tại cuối Q1/23 nhưng vẫn xếp thứ 2 cao nhất trong ngành.
Ngân hàng đã thực hiện trích lập dự phòng mạnh mẽ trong Q2/23 để chủ động ứng phó trước các diễn biến của nền kinh tế. Chi phí tín dụng của ngân hàng tăng 21 điểm cơ bản lên 1,92%.
CTG tiếp tục duy trì chất lượng tài sản ở mức tốt khi hầu hết các NH đều có sự suy giảm chất lượng tài sản trong khoảng thời gian hiện tại. Tại cuối Q2/23, các khoản nợ được tái cơ cấu theo TT02/23 của CTG đạt ~2.000 tỷ đồng (~0,16% tổng dư nợ).
Duy trì khuyến nghị Khả quan với mức giá mục tiêu cao hơn 38.500đ/cp
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank, mã CTG) vẫn là một trong những cổ phiếu ưa thích nhờ danh mục cho vay đa dạng.
VNDirect giảm chi phí vốn từ 14% xuống 13,5% để phản ánh lãi suất phi rủi ro và phần bù rủi ro thấp hơn nhờ spread của CDS Việt Nam cải thiện sv đầu năm. Do đó, giá mục tiêu tăng thêm 8,1% lên 38.500đ/cp.
Rủi ro giảm giá là chi phí tín dụng lớn hơn dự kiến. Rủi ro tăng giá là NIM cao hơn dự phóng
Thành viên cập nhật ngày 25/8/2021: Rồng Việt khuyến nghị MUA cổ phiếu CTG (Vietinbank), giá mục tiêu 42.200 đồng/cp
Trái ngược với mức tăng trưởng ba chữ số trong quý 1, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank, mã CTG) công bố kết quả kinh doanh giảm mạnh hơn dự kiến (-38% YoY) trong quý 2/2021 do chi phí tín dụng tăng cao. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế 6T2021 vẫn khả quan, đạt 10.850 tỷ đồng (+45% YoY).
Thu nhập lãi thuần tăng +33% YoY trong nửa đầu năm nhờ chi phí huy động cải thiện. Lợi suất tài sản duy trì đà giảm, còn chênh lệch lãi suất cho vay - tiền gửi ổn định là yếu tố hỗ trợ. Biên NIM tăng lên 3,2% trong 6T21 (+6 điểm cơ bản so với nửa sau năm 2020 và +45 điểm cơ bản theo năm). LDR thuần đi ngang còn LDR quy định gần mức giới hạn (84,9%). Biên NIM tăng theo năm đóng góp một nửa mức tăng trưởng thu nhập lãi thuần, trong khi tăng trưởng tài sản sinh lãi và dư nợ cho vay đóng góp phần còn lại.
Cấu trúc bảng cân đối tác động tiêu cực đến hiệu quả thông qua biên NIM do hạn mức tăng trưởng tín dụng thấp trong khi tăng trưởng tài sản vẫn tương đối tích cực. Cùng với sự cạnh tranh và rủi ro từ hoạt động cho vay và áp lực vốn, danh mục tài sản chuyển dịch theo hướng gia tăng trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu tổ chức tín dụng khi mà tài sản thanh khoản cao có lợi suất thấp. Mặt khác, cơ cấu huy động cũng dịch chuyển sang liên ngân hàng. Nhìn chung, tỷ trọng cho vay và tiền gửi khách hàng giảm ở cả hai bên bảng cân đối trong khi danh mục đầu tư được tài trợ bởi nguồn vốn liên ngân hàng lãi suất thấp ổn định nhằm duy trì biên lợi nhuận.
Thu nhập dịch vụ thuần tăng trưởng tốt trong 6T21 (+22% YoY), tăng hơn 20% mỗi quý. Thu nhập từ phí (bao gồm bảo lãnh) tăng +27% YoY, trong đó kết quả tốt của mảng bảo lãnh đã thể hiện năng lực cạnh tranh của CTG với mức tăng +53% YoY. Chiếm 39% thu nhập ngoài lãi, mảng thanh toán đóng góp lớn nhất, báo cáo tăng trưởng khả quan (ước tính khoảng +25% YoY). Thị phần tài trợ thương mại tăng 0,9% trong 6T2021 so với năm 2020, và đóng góp đáng kể vào thu nhập mảng thanh toán. Thu thanh toán cũng tăng +27% YoY trong 6T2021, cải thiện đáng kể so với mức tăng +14% YoY trong quý 1. Bancassurance tăng trưởng chậm do thương vụ độc quyền chưa hoàn tất khiến sản phẩm Manulife chưa được bán rộng rãi. Chúng tôi ước tính thị phần bancassurance là 2,2% trong 6T, hạng 15 và đóng góp hơn 700 tỷ đồng thu nhập. Về thu nhập ngoài lãi khác, thu nhập từ thu hồi nợ đã xóa tăng +98% YoY.
Nhìn chung, CTG có kết quả kinh doanh tương đối tốt. Tổng thu nhập hoạt động đạt 27 nghìn tỷ đồng trong 6T2021, tăng trưởng +31% YoY, được hỗ trợ một phần bởi nền so sánh thấp.
Hệ số CIR giảm xuống 29% trong 6T21 chủ yếu do mức tăng tương đối cao hơn của tử số (tổng thu nhập hoạt động). Chi phí dự phòng tăng +28% YoY, trong đó quý 2 chiếm 84%. Việc trích lập dự phòng quý 2 tăng mạnh vốn trực tiếp tác động đến kết quả LNTT (-38% YoY) đã đến từ hoạt động cơ cấu lại nợ của một số khách hàng theo Thông tư 02 và tăng cường trích dự phòng bổ sung theo Thông tư 03. Sự gia tăng đáng kể của nợ nhóm 5 (khoảng 6 nghìn tỷ đồng) là hệ quả của việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, trực tiếp khiến chi phí dự phòng tăng thêm 3 nghìn tỷ đồng. Nếu loại trừ nhóm nợ trên, tỷ lệ nợ xấu hình thành ròng vẫn ở mức thấp là -0,1% thay vì 0,4%.
Chi phí tín dụng chịu áp lực và tăng lên mức đỉnh 5 năm, ở mức 1,1%, với chính sách trích lập dự phòng thận trọng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) vốn khá nhạy cảm với nền thấp của mẫu số đã giảm xuống mức 129% trong quý 2 từ 155% trong quý 1.
Áp lực lên thu nhập sẽ được hỗ trợ tạm thời bởi chi phí tín dụng
Do áp lực ở phía lợi suất cho vay, hạn chế trong phân bổ tài sản và lãi suất huy động có kỳ hạn ít biến động, NIM dự kiến không còn là chất xúc tác cho tăng trưởng tổng thu nhập hoạt động trong nửa cuối năm. Nền so sánh cao hơn cũng là một yếu tố. Kỳ vọng NIM sẽ giảm xuống 2,9% trong nửa cuối năm 2021 trong khi NIM nửa cuối năm 2020 ở mức 3,1%. Biên NIM dự phóng năm 2021 vẫn duy trì ở mức 3,1%.
Ngân hàng có ít dư địa để tăng phân bổ cho vay trong nửa cuối năm do hạn mức tín dụng thấp và áp lực xử lý tỷ lệ LDR, vốn sẽ gây áp lực lên biên NIM. Lợi suất thấp đối với tài sản thanh khoản cao dẫn đến cần thiết việc tối ưu hóa nhằm duy trì biên NIM hiệu quả. CTG sẽ giữ tỉ lệ LDR gần mức giới hạn đồng thời kiểm soát tỷ lệ thông qua thị trường liên ngân hàng kết hợp với phát hành trái phiếu dài hạn. Thu nhập lãi thuần được dự báo đạt 20,5 nghìn tỷ đồng (+6% YoY) trong nửa cuối năm, đóng góp vào thu nhập lãi thuần năm 2021 là 42 nghìn tỷ đồng (+18% YoY).
Điều chỉnh tăng 8% thu nhập dịch vụ thuần năm 2021, ở mức 5,2 nghìn tỷ đồng (+21% YoY), chủ yếu nhờ mảng thanh toán.
Bộ đệm dự phòng đang cải thiện. Chi phí tín dụng dự kiến tăng lên 1,1% trong nửa cuối năm 2021 trước khi giảm nhẹ năm 2022. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu hình thành ròng sẽ dao động trong giai đoạn cuối năm với sự hỗ trợ từ việc tái phân loại nợ xấu sau thời gian thử thách trong bối cảnh giãn cách xã hội bớt tiêu cực hơn.
Dự báo tỷ lệ nợ xấu hình thành ròng sẽ có xu hướng tăng lên vào năm 2022, khi cân nhắc độ trễ của việc hình thành nợ xấu, nhưng bộ đệm dự phòng sẽ giúp giảm bớt áp lực cho việc trích lập. CTG dự kiến tăng trích lập dự phòng bổ sung cho nợ tái cơ cấu trong nửa cuối năm 2021, vốn có thể tăng sau đợt bùng phát dịch bệnh và do sửa đổi Thông tư 03. Mức trích lập bổ sung hiện tại là hơn 40%, cao hơn yêu cầu tối thiểu cho năm 2021 (30%).
Điều này khiến chi phí dự phòng 6 tháng cuối năm ở mức gần 4 nghìn tỷ đồng, tương đương giảm -36% YoY. Đây là động lực chính cho LNTT 6 tháng cuối năm 2021 vốn dự kiến đạt 13,9 nghìn tỷ đồng (+45% YoY). Từ đó, dự phóng LNTT năm 2021 và 2022 được điều chỉnh giảm nhẹ xuống 24,7 nghìn tỷ đồng (+45% YoY) và 27,9 nghìn tỷ đồng (+13% YoY).
Tác động đến định giá là tương đối nhỏ. Tuy nhiên, ngành ngân hàng nói chung có thể có động lượng thu nhập giảm. Do đó, chúng tôi thay đổi mức chiết khấu của tỷ lệ P/B kỳ vọng đối với bình quân ngành thành phần bù dương do ngân hàng có bộ đệm tốt và động lực tăng trưởng linh hoạt so với toàn ngành vốn đang gặp khó khăn.
Rồng Việt có quan điểm tích cực trong ngắn hạn và duy trì lạc quan trong thận trọng về triển vọng trung và dài hạn do lo ngại về vốn và tốc độ tăng trưởng. Giá mục tiêu được điều chỉnh nhẹ lên 42.200 đồng/cổ phiếu, tương đương suất sinh lợi tiềm năng +29% so với giá đóng cửa ngày 24 tháng 8 và khuyến nghị MUA.
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank, mã CTG)
Vốn điều lệ: 48.057.506.090.000 đồng
Vốn chủ sở hữu: 93.247.451.000.000 đồng (tại thời điểm 30/06/2021)
Địa chỉ hội sở chính: 108 Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam được thành lập vào ngày 26/3/1988, trên cơ sở tách ra từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo Nghị định số 53/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng.
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam được Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) chấp thuận niêm yết từ ngày 16/7/2009.
30 năm xây dựng và phát triển:
1. Giai đoạn I (từ tháng 7/1988 - 2000): Thực hiện việc xây dựng và chuyển đổi từ hệ thống ngân hàng một cấp thành hệ thống ngân hàng hai cấp: Ngân hàng Công Thương (Nay là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - VietinBank) hình thành và đi vào hoạt động.
2. Giai đoạn II (từ năm 2001 - 2008): Thực hiện thành công đề án tái cơ cấu Ngân hàng Công Thương về xử lý nợ, mô hình tổ chức, cơ chế chính sách và hoạt động kinh doanh.
3. Giai đoạn III (từ năm 2009 - 2013): Thực hiện thành công cổ phần hóa, đổi mới mạnh mẽ, phát triển đột phá các mặt hoạt động ngân hàng.
4. Giai đoạn IV (từ năm 2014 đến nay): Tập trung xây dựng và thực thi quản trị theo chiến lược, đột phá về công nghệ, tiếp tục đổi mới toàn diện hoạt động ngân hàng, thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh gắn với bảo đảm hiệu quả, an toàn, bền vững.
TẦM NHÌN
Ngân hàng đa năng, hiện đại, hiệu quả hàng đầu tại Việt Nam, đến năm 2030 thuộc Top 20 ngân hàng mạnh nhất Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; Đến năm 2045 là ngân hàng mạnh nhất và uy tín nhất Việt Nam, hàng đầu Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và uy tín cao trên thế giới.
SỨ MỆNH
Là ngân hàng tiên phong trong phát triển đất nước trên cơ sở mang lại giá trị tối ưu cho khách hàng, cổ đông và người lao động.
GIÁ TRỊ CỐT LÕI
1. KHÁCH HÀNG LÀ TRUNG TÂM
"Lấy nhu cầu của khách hàng là mục tiêu phục vụ của Ngân hàng. Lắng nghe tiếng nói của khách hàng và chia sẻ với các bên liên quan để đưa ra giải pháp/ tư vấn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đồng thời, đảm bảo an toàn cho khách hàng nội bộ, khách hàng bên ngoài."
2. ĐỔI MỚI SÁNG TẠO
"Luôn thể hiện sự sáng tạo trong mọi hoạt động; liên tục đổi mới có sự kế thừa để tạo ra những giá trị tốt nhất cho hệ thống, khách hàng và đóng góp vào sự phát triển của đất nước."
3. CHÍNH TRỰC
"VietinBank luôn nhất quán trong suy nghĩ và hành động đảm bảo sự tuân thủ, kỷ luật, kỷ cương, trung thực, minh bạch và giữ vững đạo đức nghề nghiệp."
4. TÔN TRỌNG
"Thể hiện thái độ và hành động lắng nghe, chia sẻ, quan tâm, ghi nhận đối với khách hàng, đối tác, cổ đông, lãnh đạo, đồng nghiệp và tôn trọng bản thân."
5. TRÁCH NHIỆM
"Thể hiện tinh thần, thái độ và hành động của toàn hệ thống, của từng bộ phận, từng cán bộ VietinBank có trách nhiệm cao đối với khách hàng, đối tác, cổ đông, lãnh đạo, đồng nghiệp và cho chính thương hiệu của VietinBank. Thực hiện tốt trách nhiệm VietinBank với cộng đồng, xã hội là trách nhiệm, vai trò, vinh dự, và tự hào của VietinBank."
TRIẾT LÝ KINH DOANH
An toàn, hiệu quả và bền vững;
Trung thành, tận tụy, đoàn kết, đổi mới, trí tuệ, kỷ cương;
Sự thành công của khách hàng là sự thành công của VietinBank.
VNDirect & Rồng Việt
Link nội dung: https://vinabull.vn./rong-viet-khuyen-nghi-mua-co-phieu-ctg-vietinbank-gia-muc-tieu-42200-dongcp-a1212.html