Theo đó, quý I/2022, GVR đạt doanh thu hợp nhất 4.905 tỷ đồng, tăng 10,3% so với quý I/2021; lợi nhuận gộp đạt 1.470,2 tỷ đồng, tăng 5,3%.
Doanh thu tài chính đạt 178 tỷ đồng, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi chi phí tài chính gấp 3 lần lên 145,3 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng 20,1% lên 113,3 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 11,6% lên 345,3 tỷ đồng, nên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 12% xuống còn 1.097,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhờ có khoản lợi nhuận khác 402 tỷ đồng, gấp 7 lần cùng kỳ, nên lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.315,6 tỷ đồng, tăng 8% so với quý 1 năm ngoái.
Tại ngày 31/3/2022, tiền và các khoản tương đương tiền của GVR đạt 5.051,8 tỷ đồng, giảm 4,7% so với đầu năm, trong đó tiền mặt là 227,2 tỷ đồng, tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn là 1.925,5 tỷ đồng và các khoản tương đương tiền là 2.899 tỷ đồng. Đầu tư tài chính ngắn hạn là 9.858,6 tỷ đồng, giảm 4% so với đầu năm.
Các khoản phải thu ngắn hạn là 3.066,4 tỷ đồng, tăng 7,6% so với đầu năm, trong đó dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi là 194,1 tỷ đồng, xấp xỉ đầu năm. Các khoản phải thu dài hạn là 641,7 tỷ đồng, giảm 6,6% so với đầu năm, trong đó dự phòng phải thu dài hạn khó đòi 570,8 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm.
Cập nhật quý 4/2021: Lợi nhuận giảm 44%
Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam – CTCP (mã Ck: GVR) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2021.
Theo đó, doanh thu quý IV của tập đoàn đạt gần 9.680 tỷ đồng, tăng nhẹ 7% so với cùng kỳ năm trước, luỹ kế cả năm đạt 26.390 tỷ đồng, tăng gần 25%. Biên lợi nhuận gộp được duy trì ở mức trên 26%, cả năm đạt 29,2% cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm trước (21,8%).
Doanh thu tài chính quý IV giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước, khi đạt 264 tỷ đồng giảm 83,8%, luỹ kế cả năm doanh thu tài chính đạt 812 tỷ đồng giảm 72,6% so với năm trước.
Lợi nhuận khác của tập đoàn giảm mạnh, đạt 99 tỷ đồng trong quý IV (giảm 89% cùng kỳ năm trước), luỹ kế cả năm đạt 521 tỷ đồng, giảm gần 53%.
Theo lý giải của GVR, nguyên nhân là do quý IV năm 2020 công ty mẹ của tập đoàn có ghi nhận khoản lợi nhuận từ thoái vốn đầu tư, và một số vườn cây cao su được tập trung thanh lý trong kỳ (năm 2021 các đơn vị đã chủ động hơn trong việc thực hiện thanh lý vườn cây cao su hết chu kỳ khai thác).
Kết quả, lợi nhuận sau thuế quý IV/2021 của GVR đạt 1.787 tỷ đồng, giảm 44% cùng kỳ năm trước, cả năm đạt 5.602 tỷ đồng, tăng 10,36%, vượt mục tiêu đặt ra hồi đầu năm.
Tại thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản của Tập đoàn Cao su đạt hơn 79.000 tỷ đồng, giảm 1.200 tỷ so với đầu năm chủ yếu giảm ở khoản nợ vay dài hạn. GVR có hơn 10.225 tỷ tiền gửi ngân hàng và 5.328 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền.
Cập nhật quý 3/2021: lợi nhuận 1.533 tỷ, tăng 27%
Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (GVR) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 3/2021 với doanh thu đi ngang vào mức 6.161 tỷ đồng. Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp Công ty tăng 67% lên 2.089 tỷ đồng.
Về hoạt động tài chính, doanh thu giảm mạnh. Các chi phí cũng được tiết giảm. Khấu trừ, GVR lãi sau thuế 1.533,5 tỷ đồng, tăng 27% so với quý 3/2021. Lợi nhuận ròng tương ứng thu về gần 1.241 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, GVR đạt 16.712 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ. Khấu trừ chi phí, GVR lãi sau thuế 3.816 tỷ đồng, tăng 88% so với 9 tháng đầu năm ngoái.
Năm 2021, GVR đặt kế hoạch 26.914 tỷ doanh thu, LNST 4.564 tỷ đồng. Sau 9 tháng, Công ty đã lần lượt thực hiện được 62% chỉ tiêu doanh thu và 84% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế.
Cập nhật 6 tháng 2021: lợi nhuận 2.376 tỷ, tăng gấp 2,8 lần
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) vừa công bố kết quả kinh doanh quý II với doanh thu thuần đạt gần 5.700 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp gấp 2,3 lần cùng kỳ, đạt 1.629 tỷ đồng.
Mặc khác, các chi phí cũng tăng lên đáng kể như chi phí bán hàng tăng 60% và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 95% so với cùng kỳ. Dù vậy lợi nhuận sau thuế vẫn đạt mức cao 1.160 tỷ đồng, tăng trưởng 126%.
Xét theo cơ cấu, sản phẩm mủ cao su đóng góp lớn nhất với tỷ trọng hơn 54% doanh thu thuần, tiếp đến là mảng chế biến gỗ đóng góp 19% và các sản phẩm công nghiệp cao su chiếm hơn 15% doanh thu.
Đây cũng là 3 mảng kinh doanh mang về lợi nhuận lớn nhất cho tập đoàn với con số lần lượt 540 tỷ, 233 tỷ và 383 tỷ đồng.
Thực tế, các sản phẩm chủ lực trên của tập đoàn được hưởng lợi lớn thời gian qua. Giá cao su thế giới dù có điều chỉnh từ đầu năm nhưng luôn ở mức rất cao so với năm 2020. Giá sản phẩm gỗ trên thế giới cũng đạt đỉnh hồi tháng 5. Các sản phẩm công nghiệp cao su, tiêu biểu nhất là găng tay y tế, được tiêu thụ đột biến khi dịch Covid-19 bùng phát.
Tính lũy kế 6 tháng đầu năm, tập đoàn ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng 77% lên hơn 10.500 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu về hơn 2.376 tỷ đồng, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ gần 1.664 tỷ đồng.
Năm 2021, tập đoàn này đặt mục tiêu tổng doanh thu 26.914 tỷ đồng, tăng trưởng 4% nhưng lợi nhuận sau thuế dự kiến thấp hơn 10% so với năm ngoái, đạt 4.564 tỷ đồng. Với kết quả bán niên trên, doanh nghiệp đã hoàn thành 52% kế hoạch năm.
Link nội dung: https://vinabull.vn./tap-doan-cong-nghiep-cao-su-lai-hon-hai-lan-so-voi-cung-ky-a1085.html